Bảo Châu đã thêm bài Thương hiệu
4 years ago

Lịch sử huyền bí về màu sắc | Phần 1: Ngôn ngữ cổ xưa của nhân loại


 

Bạn biết gì về màu sắc? Có lẽ sẽ là những lý thuyết màu cơ bản như: màu sắc được đặt trong một bảng tuần hoàn, có nguồn gốc từ ánh sáng, một vài màu sắc mang tính nóng trong khi số khác lại là màu lạnh, vâng vâng.

Trong suốt những năm tháng là một nhà thiết kế, tôi nhận ra rằng, chúng ta đã quá phớt lờ yếu tố này. Màu sắc là nhân tố nổi bật nhất trong thiết kế, đồng thời cũng là yếu tố ít được quan tâm và tìm hiểu nhất. Bạn sẽ giải thích hoặc phân tích “màu đỏ” như thế nào cho người khác hiểu? Câu hỏi như thế đã khiến các nhà triết học phải lao đao qua nhiều thế hệ và bạn có thể cũng không có câu trả lời. Thật lòng mà nói, màu sắc là một khái niệm vô cùng bí ẩn.

Bài viết bởi tác giả Ben Hersh.

Điều đầu tiên bạn cần nhớ, đó là màu sắc rộng mở và to lớn hơn chúng ta biết rất nhiều. Nó như dạng ngôn ngữ cổ xưa, xuất hiện trước cả tiếng Anh hay Fortran và hầu như được mọi loài vật trên Trái Đất sử dụng. Ý nghĩa của con rắn màu san hô là: “tôi có thể giết bạn đấy”, màu sắc của những hoa quả chín mọng cho ta biết rằng: “tôi rất ngọt ngào và giàu dinh dưỡng”. Tổ tiên đi trước đã nhận biết và tìm hiểu về màu sắc trong hơn một trăm triệu năm trước khi đặt chân lên đất liền. Màu sắc là biểu tượng mạnh mẽ, chúng tồn tại xuyên suốt thời gian phát triển của loài người, vì thế việc dành công sức nghiên cứu về màu sắc là hoàn toàn xứng đáng.



Ảnh: В. Корецкий.1950 Альбом политических плакатов “Контакт — Культура” từ Wikimedia

Văn hóa và công nghệ đã làm chúng ta xao nhãng về thế giới xung quanh nhưng màu sắc chưa bao giờ mất đi sức ảnh hưởng vốn có. Chúng ta sử dụng màu sắc nhằm ám chỉ một điều gì đó nghiêm trọng hoặc quyết định liệu bạn có thể tin tưởng một trang web với dữ liệu khá nhạy cảm. Bạn nghĩ Facebook sử dụng màu sắc trùng với màu trang phục hành chính chỉ là sự trùng hợp? Nếu là bạn, bạn sẽ điền thông tin cá nhân của mình vào một trang web màu cam ghê rợn như dưới đây chứ?



Nhiều sản phẩm digital được thiết kế để tương thích với hàng triệu người dùng thuộc nhiều tầng lớp và dân tộc khác nhau, do đó tính khả dụng là điều bạn cần phải đặc biệt lưu ý. Các nhà thiết kế thường sử dụng màu sắc để tránh bất đồng về văn hóa hoặc đơn giản hóa các giao diện rối rắm. Màu sắc cho phép các công cụ kĩ thuật số giao tiếp với bạn một cách nhanh chóng và thân mật hơn là sử dụng kí tự hoặc biểu tượng. Hơn nữa, màu sắc càng cho thấy được tầm quan trọng của mình đến nỗi việc thay đổi chúng cần đến những cơ sở lý thuyết vững chắc và thậm chí là tranh luận.

Nhà thiết kế không có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ màu sắc sẽ không thể tồn tại lâu, tệ hơn là họ sẽ phải diễn giải khá dài dòng khi cố gắng thể hiện điều đó.

Vậy, nguồn gốc của màu sắc là gì?



Ảnh từ Bernt Rostad qua Flickr.

“Các khuôn đá trong động được hình thành thông qua sự tích tụ của các dòng nước nhỏ từng giọt một, lặp đi lặp lại qua thời gian. Hình ảnh kì quan của thiên nhiên hoặc sự thay đổi của thế giới đã tạo nên màu sắc. Một vài màu đã mất trong khi số khác được hình thành. Cuối cùng thì chúng ta có một hệ thống màu sắc đồ sộ mà không ai chú ý đến quá trình tạo tác ấy. Hệ thống màu sắc cũng đa dạng và to lớn tương tự như ngôn ngữ hoặc các nền văn hóa.” - Kenya Hara.

Màu sắc không được định nhãn trong tự nhiên. Phô-tôn ánh sáng hiện diện khắp nơi với nhiều bước sóng khác nhau, một số bám vào đồ vật và lọt vào mắt người. Mắt chúng ta có thể phân tích thông tin và dữ liệu ấy với vùng tần số hẹp, từ đó các nhà khoa học lấy cơ sở để tạo ra một dãy quang phổ. Mắt người có một vài loại tế bào phản ứng với nhiều dãy màu sắc nhau trong quang phổ và sự kết hợp các tín hiệu từ những tế bào ấy sẽ được chuyển đến bộ não. Từ đó quá trình khái quát hóa diễn ra và các tín hiệu di chuyển đến vùng sáng trong thái dương, nơi bạn sẽ định danh nó: “Màu đỏ”.



Minh họa: Nguyên lý tâm lý học, William James, 1890.

Hầu hết con người đều có bộ phân tích màu sắc ở mắt và bộ não tương tự, tuy nhiên việc nhìn nhận là không hoàn toàn giống nhau. The Pirahã, một cộng đồng biệt lập tại vùng Amazon, không thể định danh màu sắc. Bạn có tò mò sẽ ra sao nếu họ không thể gọi tên một yếu tố phổ biến và nổi bật như màu sắc không? Có nhiều ngôn ngữ định danh nhiều màu sắc hơn tiếng Anh và người nói ngôn ngữ ấy nhìn ra nhiều thứ mà chúng ta không thể. Ví dụ như người Nga phân loại màu xanh dương nhạt là “goluboy” và xanh dương đậm “siniy”. Các nhà tâm lý học phát hiện ra rằng người Nga có thể nhanh chóng phân biệt những gam màu xanh dương nhìn có vẻ tương tự nhau đối với một người Mỹ bình thường.



Goluboy và siniy. Hoặc goluboy và goluboy? Tôi không biết nói tiếng Nga.

Mỗi nền văn hóa có mối tương quan riêng với màu sắc. Người Hy Lạp cổ đại quan tâm đến tính đổ bóng (shade) của màu sáng và tối hơn là dãy màu, từ đó ta sẽ có các cụm từ “biển màu rượu đen” và “đôi mắt long lanh của nữ thần Athena” trong thần thoại cổ. Có phải người Hy Lạp cổ đại thấy được nhiều màu sắc hơn chúng ta ngày nay? Liệu họ có hiểu được ý nghĩa đằng sau câu hỏi này?

Những nền văn hóa khác nhau thường có xu hướng hình thành một hệ thống từ vựng màu sắc giống nhau. Các dạng ngôn ngữ biệt lập thường định danh màu “đen” trước, sau đó đến màu “đỏ” và “hồng”. Tuy nhiên lộ trình hình thành và phát triển không hoàn toàn giống nhau. Người Nga phân biệt các sắc xanh lam khác nhau trong khi người Nhật sử dụng một từ để định danh màu xanh lục và xanh lam. Những quốc gia khác sẽ có phương thức định danh màu sắc riêng biệt. Ví dụ như Người Himba của đất nước Namibia gọi chung màu xanh dương đậm, đỏ, xanh lục và tím là “zuzu”để tránh nhầm lẫn với “dambu” gồm màu xanh lá nhạt, đỏ và nâu. Màu sắc có tiềm năng khai phá vô tận và có nhiều phương thức để khai thác yếu tố này.


Zuzu


Dambu

Có nhiều phương pháp để tìm hiểu màu sắc là gì

Chúng ta xem màu sắc là một thành tố riêng biệt, tuy nhiên một số lại nghĩ rằng chúng có tính chất tương tự nhau. Trước khi khoa học phát triển, nhiều người xem “màu rượu” và “màu đỏ” là một với tính chất tương tự. Bạn sẽ nhìn nhận thế giới xung quanh bằng những gì hiện ra trước mắt nếu không có quy luật toán học. Aristotle quan niệm rằng màu sắc liên kết với 4 thành tố - thổ, phong, thủy và hỏa - và tôi cá là nhiều người vẫn tin vào điều này. Một số tin rằng nếu đỏ là màu của thần Chiến tranh thì trang phục màu đỏ sẽ biến bạn trở thành một chiến binh vĩ đại. Thậm chí với sự giúp đỡ của khoa học hiện đại, mối liên kết vẫn hình thành mà bạn không hề hay biết. Các nhà tâm lý học phát hiện ra rằng những đội thể thao mang trang phục đỏ thường thắng nhiều hơn dù màu đỏ có thể gây khó khăn trong việc giải toán.

Trước lúc các công cụ và màn hình kĩ thuật số xuất hiện, màu sắc không hề tách li khỏi các vật thể. Người La mã cổ đại chuộng màu tía Tyrian, một gam màu được chắt lọc từ số lượng lớn ốc sên nước. Việc sử dụng nó bị chính quyền hạn chế, và nếu thấy ai mang trang phục màu này, bạn sẽ cần đặt ly cà phê xuống và mời họ selfie một tấm đấy. Màu tía Tyrian chưa phải là một màu chính thức ngày nay; nó là kết quả của tổng hợp các màu tím, đỏ và xanh lam. Màu xanh biếc có nguồn gốc từ việc nghiền những viên đá ngọc bích, màu nâu sẫm có được từ việc phân tích mẫu đất từ vùng Umbria của nước Ý. Màu hung đỏ xuất phát từ việc nung đất lấy từ vùng Sienna ở Ý. Bản chất của màu sắc tách ly khỏi vật thể gốc của chúng là một quan điểm hoàn toàn mới. Nếu bạn không tìm thấy màu sắc đó ở vật thể ngoài tự nhiên thì tức là nó không tồn tại.

Image result for tyrian color



Đất nung Sienna. Ảnh: Iconofile qua Wikimedia

Chúng ta đang sống trong một thế giới khác xa với thời cũ. Không kể đến các màu sắc được tổng hợp, chúng ta có màn hình hiển thị retina cực nét và những cải tiến không ngờ. Pantone có khoảng 1867 màu sắc và nhiều hơn 1860 màu chúng ta từng học ở trường. Tôi chắc rằng không ai sử dụng màu “xanh ngọc biếc” - smaragdine dù nó được chọn là màu sắc của năm 2013. Nếu bạn tính các mã hex thì chúng ta có 16777216 màu sắc khác nhau, gấp đôi số lượng màu mà mắt người có thể bắt được. Vậy thì điều này có ý nghĩa gì?



Smaragdine. Đùa đó, đây là màu Orchid Haze.

Chúng ta hiểu được tính chất của màu sắc nhờ một người: Isaac Newton. Ông cũng là người chỉ chúng ta quy luật chơi bi-da, đưa ra trật tự sắp xếp và phát hiện ra vì sao sự vật rơi xuống thay vì bay lên khi ta thả chúng xuống.

Newton phát hiện ra khi bạn chiếu tia ánh sáng trắng qua một lăng kính, nó sẽ được phân tích ra thành một dãy gồm nhiều màu. Ngoài ra, bạn có thể tổng hợp màu sắc để tạo thành ánh sáng trắng, đây là một quan điểm hoàn toàn mới. Trước khi thí nghiệm này được thực hiện, việc kết hợp màu sắc là một điều cấm kị và đi ngược lại với tự nhiên. Màu sắc là những thành tố riêng biệt với tính chất biểu tượng khác nhau, việc phối hợp chúng gần như bác bỏ đi sức sống vốn có. Bạn có thể tưởng tượng ra cảm giác khi tìm thấy một dãy các màu sắc khác nhau ẩn chứa trong một tia sáng trắng xung quanh chúng ta.



Một trong những biểu đồ quang học cả Newton. Ảnh: Royal Society via Wikimedia.

Màu cầu vồng của Newton là một dãy màu liên tiếp và ông đã sắp xếp chúng vào nhiều loại khác nhau. Newton chiếu một dãy cầu vồng lên tường và nhờ một người bạn vẽ đường phân chia thành 7 màu khác nhau: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm và tím. Tại sao lại là 7 màu? Dù chúng ta biết đến Newton thông qua những cống hiến của ông đến nền khoa học hiện đại, ông là người thuộc thế hệ của những năm 1600 và dành hầu hết thời gian nghiên cứu về thuật giả kim và khoa học thần bí cổ đại.

Pythagoras, được sinh ra vào hai nghìn năm trước, mang tư tưởng cuồng dại với số 7. Có 7 hành tinh, 7 nốt nhạc trong thang âm thanh, 7 ngày một tuần và một vài ví dụ khác nữa minh họa cho hiện tượng này. Newton, bằng lý do chính đáng, nghĩ rằng Pythagoras có lý lẽ riêng. Newton coi màu sắc là một nhân tố trong trật tự thế giới to lớn và xây dựng lý thuyết màu sắc riêng của mình theo chế độ hệ thống 7 nốt nhạc của Dorian.



Vòng tròn màu sắc của Boutet, 1708. Ảnh bởi Wikimedia.

Newton cũng là người tạo ra vòng tuần hoàn màu sắc. Quang phổ cận cho ta biết vài điều, nhưng vòng tuần hoàn màu sắc hoàn chỉnh cho thấy một trật tự lớn trong tự nhiên như thang âm nhạc cách nhau một quãng âm vực. Nó cũng cho bạn thấy được mối quan hệ giữa các màu sắc dựa vào vị trí trên vòng tuần hoàn, ví dụ như các màu đối diện nhau sẽ tạo ra sắc trắng. Tự nhiên không bao giờ hoàn mỹ theo ý muốn của chúng ta. Không có tần số trong ánh sáng trắng giữa màu đỏ và màu xanh lục. Do đó, chúng ta tạo ra màu tím để có được vòng tròn hoàn chỉnh bằng cách kết hợp màu đỏ và xanh lam. Lý thuyết màu sắc được rút ra và hình thành dựa trên cơ sở tự nhiên.

(còn tiếp)

.......................................
Xem thêm các sản phẩm thiết kế của KB Brand tại đây
Liên hệ KB Brand để được tư vấn tận tình theo Hotline: 0903 888 187 - 090 999 8471 (Zalo, Viber)


Theo idesign
Tác giả: Ben Hersh
Người dịch: Đáo
Nguồn: Medium
Ảnh bìa: Tierra Connor

    • Share:

Tin liên quan

Mới nhất

Video

Tư vấn online